Skip to main content

ỨNG DỤNG CƠ GIỚI HOÁTRONG SẢN XUẤT LÚA, LỢI NHUẬN TRÊN 23 TRIỆU ĐỒNG/HA

 

ỨNG DỤNG CƠ GIỚI HOÁTRONG SẢN XUẤT LÚA, LỢI NHUẬN TRÊN 23 TRIỆU ĐỒNG/HA

 

    Sáng ngày 14/11/2023, tại ấp Sơn Tân, xã Vọng Đông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo “Ứng dụng cơ giới hoá trong gieo sạ lúa và sơ kết mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023”. 

     Bà Nguyễn Thị Hương – đại diện Chi cục Phát triển Nông thôn An Giang, bà Huỳnh Đào Nguyên – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang cùng Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiêng Giang, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện Thoại Sơn, Công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh, Công ty TNHH TM-DV Sài Gòn Kim Hồng và 110 nông dân sản xuất lúa ở Thoại Sơn, Châu Thành, Tri Tôn, Châu Phú tham dự.

      Đại biểu cùng nông dân đã tham quan thực tế mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 của 30 hộ là thành viên HTX Nông nghiệp Vọng Đông.

     Theo bà Huỳnh Đào Nguyên – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang cho biết: Thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022-2024”, mô hình áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật hiện đại trong sản xuất lúa, trong đó khâu gieo sạ lúa bằng máy sạ cụm để giảm lượng giống, từ đó giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.  Trong năm 2023, An Giang thực hiện mô hình với diện tích 50 ha, sử dụng các giống lúa chất lượng cao OM18, DS1, ST25 và IR4625, năng suất lúa bình quân đạt trên 6 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 23 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng trên 4,8 triệu đồng/ha.

      Tại hội thảo,Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, Kiên Giang,Trung tâm  Dịch vụ Nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch Nông thôn tỉnh Đồng Tháp chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện mô hình tại các tỉnh tham gia thực hiện dự án và nông dân chia sẻ những kinh nghiệm tham gia mô hình.

     Cty TNHH Thương mại – Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng, Cty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh chia sẻ thông tin về máy gieo sạ cụm , chính sách của công ty trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa.

      Theo đó, nông dân đã nêu lên những ý kiến : Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho người dân tham gia Dự án cũng như mua máy gieo sạ cụm. Công ty, doanh nghiệp cần tạo gắn kết giữa các chủ máy gieo sạ cụm để trao đổi, liên kết với nhau làm dịch vụ. Chính sách kịp thời hỗ trợ, sửa chữa máy móc. Giới thiệu, gắn kết tiêu thụ lúa cho người dân khi tham gia mô hình gieo sạ lúa bằng máy sạ cụm.

      Hội thảo ứng dụng cơ giới hoá và sơ kết Mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân đã nhận thức được những lợi ích của việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất cũng như tầm quan trọng của sản xuất lúa có chất lượng, đáp ứng theo yêu cầu doanh nghiệp trong liên kết và tiêu thụ. Nông dân cùng các nhà khoa học, Nhà nước, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để phát triển nông nghiệp bền vững./.

                                 Anh Thư – TT.VHTTDL và TT Thoại Sơn.